0

Sự hình thành các rối loạn lo âu và cách vượt qua | Safe and Sound

Hãy nhớ rằng lo âu không gây nguy hiểm. Chúng ta thường sợ hãi chính bản thân nỗi lo âu, tin rằng quá lo âu sẽ nguy hiểm. Tuy nhiên, dù khiến chúng ta khó chịu hết mức, tự bản thân lo âu không gây hại. Kể cả trong cơn lo âu nặng nề nhất, những triệu chứng đối với cơ thể, tâm trí và cảm xúc cũng không gây hại tới bạn.

Nguyễn Hoàng Nguyên | Thạc sĩ. Bác sĩ – Viện tâm lý và sức khỏe tâm thần SnS

Trung tâm nghiên cứu Sức khỏe Cộng đồng và Phát triển

1. Sự hình thành các rối loạn lo âu

Hãy tưởng tượng bạn đang tận hưởng chuyến đi rừng của mình, đột nhiên bạn chạm phải một thứ gì đó trơn tuột trên mặt đất, một chuỗi những hiện tượng sẽ xảy ra với bạn. Ánh sáng phản chiếu vật thể vào mắt, hình ảnh rơi trên võng mạch, hình thành tín hiệu đi tới vùng đồi thị (cơ quan tiếp nhận của não bộ), sau đó đến vùng cảm nhận thị giác ở sau não. Tại đây, thông tin được tiếp hợp cùng các cảm nhận của não bộ, các ký ức trước đây và hình thành khái niệm “rắn”.

Chi tiết này nhanh chóng được đưa đến vùng hạnh nhân não. Đây là bộ phận nằm sâu trong não, trung tâm của cảm giác sợ hãi và những cảm xúc lo âu. Vùng hạnh nhân cũng nhận thông tin từ vùng đồi hải mã, là vùng then chốt cho việc hiểu. Chính vùng đồi hải mã sẽ khiến bạn cảm thấy sợ hãi và lo âu cho những lần đi rừng tiếp theo, kể cả khi bạn không tiếp xúc với một con rắn nào cả.

Tín hiệu từ vùng hạnh nhân đi tới kích hoạt một vùng khác của não gọi là vùng đồi thị, hoạt hóa phản ứng “chiến đấu hoặc bỏ chạy” của hệ thần kinh giao cảm thông qua việc tiết hormone căng thẳng như adrenaline. Vùng đồi thị cũng hoạt hóa tuyến yên tiết ra hormone vào trong máu đi tới tuyến thượng thận, khiến chúng tiết ra thêm những hormone căng thẳng khác như cortisol. Chúng ta tồn tại được là nhờ những đáp ứng phối hợp như vậy. Nó khiến chúng ta nhận thức sự nguy hiểm, lập tức tránh xa con rắn. Chúng ta sinh tồn bởi việc sợ những kích thích, và quan trọng không kém chính là thích nghi với kích thích không quá nguy hiểm.

Ảnh 1: Vùng đồi thị, tuyến yên, hồi hải mã trong não bộ

Nếu chúng ta luôn sợ hãi những kích thích không gây nguy hiểm, không tương xứng với hoàn cảnh thì đó chính là rối loạn lo âu. Muôn hình vạn trạng của rối loạn lo âu mà chúng ta có thể kể đến như ám ảnh sợ chuyên biệt, ám ảnh sợ xã hội, chứng rối loạn hoảng sợ, rối loạn lo âu lan tỏa. Ngày nay, người ta đã tách rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) và rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) ra khỏi rối loạn lo âu (theo DSM-V). Tuy nhiên, hai rối loạn này đều có rối loạn lo âu trầm trọng và cũng đáp ứng với điều trị tương tự như các rối loạn lo âu khác.

2. Làm thế nào để vượt qua rối loạn lo âu 

Hãy đánh giá lại khả năng nguy hiểm của kích thích gây ra rối loạn lo âu. Nỗi sợ thuyết phục chúng ta rằng điều chúng ta lo ngại sẽ xảy ra. Nhưng hãy nhớ rằng, rối loạn lo âu liên quan tới những nỗi sợ tưởng tượng dựa trên các nguy cơ có thực, vì thế khả năng xảy ra rất thấp. Hãy ghi lại những bằng chứng ủng hộ sự lo sợ này mạnh mẽ cỡ nào? Có bằng chứng chống lại không? Điều đó đã từng xảy ra chưa, nếu có thì tần suất ra sao? Nếu phát hiện lỗi sai trong cách suy nghĩ của mình, hãy đánh giá lại khả năng nỗi sợ của bạn sẽ xảy ra qua những bằng chứng có được.

Ảnh 2: Nỗi lo sợ với kích thích cần tương xứng với sự nguy hiểm đem lại

Tiếp theo, hãy đánh giá lại mức độ đe dọa. Đôi khi, các lỗi trong suy nghĩ không liên quan đến khả năng xảy ra điều tồi tệ, mà là về mức độ của nó. Ta có thể lo sợ, cảm thấy khủng khiếp nếu đồng nghiệp biết ta lo âu khi phát biểu. Nhưng nghĩ cho cùng, mọi người đều sẽ biết thông qua cách ta nói, đôi tay run rẩy. Nhưng điều đó có quan trọng không? Sự hồi hộp liệu có làm thay đổi toàn bộ cảm nhận của đồng nghiệp về bản thân mình hay về chất lượng bài diễn thuyết không? Hãy tự mình đánh giá nhé.

Tin tưởng rằng chúng ta cần đến sự lo lắng. Bởi vì lo lắng giúp chúng ta suy nghĩ về giải pháp của vấn đề, tránh cho chúng ta bị động với các tin xấu, thể hiện chúng ta có quan tâm và có thể giúp chúng ta có động lực để vươn lên. Tuy nhiên, những niềm tin này đều là giả tạo, chúng ta không thể tránh bị đau bằng cách tưởng tượng viễn cảnh tồi tệ nhất, mà nếu xảy ra cũng chỉ gây thất vọng. Khi nhìn thấy sự lo lắng là vô ích thì chúng ta sẽ dễ dàng chuyển hướng suy nghĩ của mình hơn.

: Sự hình thành các rối loạn lo âu và cách vượt qua | Safe and Sound

Đăng ký nhận tư vấn ngay

Nhận tư vấn về sức khoẻ tinh thần từ Safe and Sound